Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 15/10/2014, 10:36 (GMT+7)

Nghề cõng hàng thuê lên đỉnh Ngọc Linh

Để chuyển hàng hóa lên các ngôi làng dọc sườn núi của dãy Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, người cõng hàng phải mất hàng giờ đồng hồ băng qua những dãy núi đá cheo leo.

Là huyện miền núi, cư dân sống thưa thớt theo từng nóc trên những dãy núi chênh vênh nên việc giao thông đi lại tại Nam Trà My gặp rất nhiều khó khăn. Để có hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, các chủ cửa hàng tạp hóa thuê người cõng hàng từ dưới xuôi lên.

Thôn 3, xã Trà Tập có hơn 100 hộ dân người đồng bào Xê Đăng. Thôn đươc chia thành 4 nóc ở những ngọn núi liền kề. Từ trung tâm của xã đến nóc xa nhất phải mất hơn 2 giờ leo núi, chính vì vậy người dân ở đây phải dậy từ rất sớm để bắt đầu hành trình cõng hàng thuê.

Với chặng đường 2 giờ leo núi, thông thường mỗi kg hàng sẽ được trả khoảng 2.000 đồng. Mới 4h sáng, bà Hồ Thị Xiểm đã phải xuống xã để cõng hàng, trong mỗi chuyến đi bà thường cõng thêm buồng chuối nhà trồng xuống chợ để bán kiếm thêm thu nhập.

Hầu hết đội ngũ cõng hàng thuê đều là thanh niên trẻ khỏe. Tuy nhiên, những lúc cuối mùa, nhàn rỗi lại thiếu cái ăn nên các cụ già, trẻ em cũng tham gia.

Chị Hồ Thị Măn (32 tuổi, xã Trà Tập) cho biết, tùy sức khỏe của từng người, trung bình mỗi người cõng được khoảng 50 kg hàng lên núi.

Hành trình cõng hàng thuê thường bắt đầu từ 4h sáng và trở về đến nóc lúc cuối chiều. Để giữ sức cho chặng đường dài, đoàn người đi trong im lặng.

Những người phụ nữ Xê Đăng thường mang theo rượu để chống lại cái mệt trên những chặng đường dài.

Những người cõng thuê có thể mang bất cứ thứ gì cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt, từ vật liệu xây dựng như gạch, xi măng cho đến gạo, mì tôm… giống như một cái chợ thu nhỏ trên lưng.

"Có những chặng đường dốc dứng cả cây số. Công việc khó nhọc  này luôn tiềm ần những bất ngờ. Người mới cõng hàng bị ngã, thậm chí gãy tay gãy chân là bình thường. Những ngày trời mưa nếu không cẩn thận rất dễ cả hàng và người rơi xuống vực", cụ Hồ Văn Chun (65 tuổi) nói.

Cuối tuần trở về nhà, các em học sinh nội trú cũng tham gia vào đoàn cõng hàng thuê để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống.

Với số hàng như vậy, mỗi ngày người cõng hàng thuê kiếm được khoảng 100.000 đồng từ các chủ cửa hàng tạp hóa.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyên Nam Trà My cho biết, với hơn 72% dân số toàn huyện thuộc hộ nghèo, Nam Trà My là huyện nghèo nhất nước hiện nay. Ở các xã như Trà Linh, Trà Tập, Trà Cang… có những ngôi làng phương tiện cơ giới không thể lên được. Tất cả việc vận chuyển hàng hóa đều bằng sức người.

Tiến Hùng