Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ sáu, 14/11/2014, 17:09 (GMT+7)

Hoài niệm với hàng cây 100 tuổi giữa Sài Gòn sắp bị đốn hạ

Những cây cổ thụ đầu tiên trên đường Tôn Đức Thắng đã bắt đầu được đốn bỏ để xây metro. Nhiều người Sài Gòn tiếc nuối con đường rợp bóng cây gắn với các địa danh hãng sửa tàu Ba Son, Đại chủng viện Thánh Giuse, trường sư phạm mầm non...

Những cây xà cừ đầu tiên nằm trước nhà máy Ba Son bị đốn hạ để xây dựng tuyến metro đầu tiên của thành phố. 

Vết tích bị chặt còn mới tinh của những thân cây cổ thụ trăm tuổi, đường kính thân cây hơn một m, thân cao 10 m, ba người ôm không xuể. Đoạn đường Tôn Đức Thắng dài hơn một km có khoảng 260 cây cổ thụ, trong đó 84 cây sẽ được đốn hạ dần trong vòng 3 năm. 

Đường Tôn Đức Thắng là một trong những con đường hiếm hoi ở thành phố rợp bóng cây xanh ở TP HCM. Chị Lê Loan, nhân viên kế toán làm việc ở quận 7, mỗi lần có công việc vào quận 1 luôn cố tình đi qua con đường rợp bóng cây cổ thụ dù quãng đường có xa hơn. "Mai đây hàng cây bớt xanh, tiếc ngẩn ngơ", chị nói.

Con đường nằm ở vị trí đắc địa, nối từ đường Lê Duẩn đến mé sông Sài Gòn. Nép mình bên dưới bóng cây xanh là những ngôi nhà hơn 100 tuổi còn tồn tại đến ngày nay. Những ô cửa mái vòm, tường sơn vàng đặc trưng từ Chủng viện thánh Giuse, tu viện dòng thánh Phaolo... với nét kiến trúc đậm chất Pháp. Khoa mầm non ĐH Sài Gòn ngày nay nằm trên con đường đầy bóng cây, hàng cây trở thành một phần của ngôi trường cổ. Ảnh: Khánh Ly.

Con đường đầy bóng cây này gắn bó mật thiết với công việc của nhiều người lao động ở Sài Gòn. Bóng mát hàng cây chở che, xoa dịu phần nào nhọc nhằn mưu sinh giữa cái nắng đô thị phương Nam. Hai vợ chồng ông Tư Thới coi góc đường trước nhà máy Ba Son này như ngôi nhà thứ hai. Họ bán me ở đây mỗi ngày từ sáng sớm cho đến 4h chiều từ mấy chục năm nay. "Sắp tới hàng cây dời đi, hết chỗ rồi thì hai vợ chồng tìm nơi nào để bán me", ông Tư bùi ngùi. 

Góc đường Tôn Đức Thắng giao với phố Lê Thánh Tôn là nơi người bơm vá xe này mưu sinh hơn 25 năm. Cả thợ vá xe và khách cũng đỡ mồ hôi, thấy dễ chịu hơn dưới cái nắng gay gắt Sài Gòn nhờ hàng cây rợp bóng mát.

Bức tường vàng cũ kỹ của nhà máy đóng tàu Ba Son vào một buổi chiều vàng nắng, bên hàng cây xanh mát mai kia sẽ thành dĩ vãng. 

Dưới bóng mát hàng cây, bên chiếc ghế xếp, hơn 30 năm nay người đàn ông tuổi gần 60 tuổi này sửa xe cho khách đi đường.

Nhiều sinh viên truyền tai nhau biệt danh "con đường bò lá lốt" và căng mũi hít hà mùi bò nướng trong tiếng mời gọi thực khách giòn giã khi chạy xe qua con đường giờ tan tầm. 

Mỗi người Sài Gòn đã có cách lưu giữ kỷ niệm với hàng cây thật đặc biệt. Chị Thu Hiền, chủ cửa hiệu thời trang tại quận 1, một chiều đến đây chụp hình kỷ niệm với con đường từng gắn bó một thời sinh viên. Khoảng năm 2000, khi là sinh viên ĐH KHXH&NV TP HCM, chị cũng như khá nhiều bạn học khác ở tỉnh lên Sài Gòn đã vô cùng háo hức và choáng ngợp trước tòa nhà Saigon Trade Center 33 tầng thuộc loại hoành tráng nhất khi đó. Trưa, đám sinh viên nghèo lại rủ nhau đi bộ sang tòa nhà chỉ để được... rửa tay trong toilet cao cấp. Thậm chí có bạn còn phải giả vờ tìm người quen để được bước vào thang máy và chỉ kịp thò đầu ngắm thành phố từ tầng cao nhất của tòa nhà cũng đã hể hả sướng rơn khoe với bạn bè.
"Đường Tôn Đức Thắng rợp bóng cây xanh còn là nơi cho những đứa sinh viên nghèo thỉnh thoảng dám xênh xang tổ chức sinh nhật với món bò lá lốt, mà đến giờ mỗi lần đi ngang vẫn thấy khói loang cả góc đường" chị Hiền hồi tưởng. Chia tay con đường là chia tay một phần kỷ niệm gắn bó với tuổi trẻ một thế hệ. Ảnh: Duy Nhất

Là một nhiếp ảnh gia tự do, yêu mến từng góc nhỏ Sài Gòn, Nguyễn Văn "lôi kéo" các cặp uyên ương đến chụp hình cưới tại "con đường màu xanh" khi nghe tin hàng cây sắp bị đốn hạ. Hàng cây trăm tuổi đi vào những tấm hình hạnh phúc lứa đôi. Ảnh: Nguyễn Văn

Khánh Ly