Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 8/4/2014, 01:06 (GMT+7)

Ngôi nhà 300 năm của quan Đốc học ở làng Đường Lâm

Bậc cửa rất cao thể hiện địa vị của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính, đồng thời như lời nhắc khách tới nhà cúi đầu tôn kính gia chủ.

Ngôi nhà được xếp hạng nhà cổ loại I, thiết kế dưới dạng 3 gian 2 chái. Ba gian chính dùng để thờ cúng và tiếp khách, hai gian ngoài là nơi ngủ. Nhà sử dụng hệ thống cửa cánh phố có thể nhấc ra, lắp vào dễ dàng.

Theo kiến trúc thời Hậu Lê, đuôi mái nhà không vút cong mà ưu tiên sử dụng những đường thẳng. Sảnh nhà cũng được thiết kế rộng rãi, thông thoáng.

Ngoài làm quan, cụ Đỗ Doãn Chính còn là một nhà nho giáo nổi tiếng. Bậc cửa cao không chỉ thể hiện địa vị mà còn là lời nhắc nhở khách phải cúi mình kính trọng người thầy sống trong nhà.

Những nét điêu khắc tinh xảo thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn cho tới tận hôm nay.

Vợ chồng chị Dương Lan là đời thứ tám sống trong ngôi nhà này. Để bảo toàn nét cổ xưa, anh chị chỉ kê thêm bộ bàn ghế gỗ còn những đồ đạc khác vẫn được giữ nguyên. Dù không kinh doanh du lịch nhưng anh chị vẫn mở cửa đón khách tới ngắm ngôi nhà.

Vào ban ngày, ngôi nhà luôn ngập tràn ánh sáng do trần nhà xây cao, các khe cửa thông gió cũng được thiết kế để ánh sáng lọt vào.

Đôi võng gỗ được vợ chồng chị Dương Lan treo trang trọng hai bên bàn thờ. Đây là kỷ vật cụ Đỗ Doãn Chính được vua ban ngày vinh quy bái tổ.

Đôi sừng vua ban khi cụ Đỗ Doãn Chính được phong chức quan Đốc học.

Cây chổi lông gà, chiếc ô... mà cụ Đỗ Doãn Chính hay dùng vẫn được treo ở những vị trí quen thuộc.

Đôi câu đối 'Trị gia hữu đạo duy tòng cổ/ Xử thế vô trì đãn xuất chân' được cụ Đỗ Doãn Chính chấp bút từ đầu triều Nguyễn, nay theo thời gian bị mối mọt. Người nhà đã đóng kính câu đối và treo giữa nhà cho khách chiêm ngưỡng. 

Giàn chống trần được chạm trổ với hoa văn chữ Hán, phần trần được thiết kế cầu kỳ với nhiều thanh xà chống đỡ.

Năm ngoái, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình trong việc trùng tu căn nhà. Phần trần nhà được đóng lại cho chắc chắn, các cột trụ mối mọt được thay nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.

Mai Uyên