Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 27/8/2014, 01:00 (GMT+7)

Ngôi nhà tre với những chiếc nơm cá hình nón ngược

15 cụm tre hình nón ngược lấy cảm hứng từ chiếc nơm úp cá đã nâng đỡ cho mái khu nhà chính của một công trình ở Kon Tum. Tòa nhà này nhận giải thưởng kiến trúc quốc tế năm nay.

Kontum Indochine Cafe là một phần của tổ hợp khách sạn dọc theo sông Dakbla tại thành phố Kon Tum. Nơi đây có thể sử dụng làm nơi tổ chức tiệc.

Công trình do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế gồm một tòa nhà chính có kết cấu tre với mái lớn phẳng và một nhà bếp phụ trợ làm bằng khung bê tông, xếp đá.

Tòa nhà chính hình chữ nhật được bao quanh bởi hồ nước nhân tạo. Tất cả các hướng đều thông thoáng tự nhiên: Phía nam là các phố chính dọc sông Dakbla, phía đông là các con đường nhỏ, phía tây là nhà hàng và khu tổ chức tiệc thuộc khách sạn và phía bắc là khu bếp phụ trợ.

Bằng việc tối đa hóa không khí mát mẻ do nước hồ đem lại và bóng mát từ mái tre, không gian trong nhà rất thoáng đãng mà không cần sử dụng điều hòa không khí, ngay cả khi thời tiết nóng bức.

Mái nhà được phủ bởi các tấm nhựa sợi thủy tinh và lợp mái tre tự nhiên phía dưới để chống nóng, nhận được ánh sáng tự nhiên cho các không gian chính của công trình.

Mái khu nhà chính được hỗ trợ bởi 15 cụm tre hình nón ngược, được lấy cảm hứng từ nơm úp cá của người dân Việt.

Cấu trúc này cho phép tối đa hóa gió mát thổi vào khu nhà trong suốt mùa hè, tuy nhiên vẫn có thể chịu được bão lốc thường xuyên xảy ra vào mùa mưa.

Từ quán cà phê, khách sẽ có được cái nhìn toàn cảnh núi sông Dabla. Những cụm tre thẳng hàng tạo cho khách hàng ấn tượng như đang hòa mình trong khu rừng đầy tre.

Các đặc tính của tre khác với gỗ hoặc thép. Nếu các chi tiết và biện pháp thi công gỗ hoặc thép được áp dụng cho kết cấu tre thì lợi thế của tre sẽ bị suy giảm.

Ví dụ, sử dụng khớp nối thép sẽ làm mất đi lợi ích kinh tế khi sử dụng cấu trúc tre. Hay khi sử dụng các chốt nối thép, điều này không thích hợp khi kết hợp với vật liệu tre, và có xu hướng bị mất ổn định.

Trong bối cảnh này, KTS sử dụng các phương pháp truyền thống (ngâm tre trong bùn và hun khói) để xử lý tre, và sử dụng chi tiết công nghệ thấp (dây buộc mây và đinh tre), phù hợp cho các cấu trúc tre.

Các cụm tre được lắp đặt tại chỗ trước khi dựng lên để đạt được chất lượng và độ chính xác cao.

Ở giải International Architecture Awards (Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế) của Mỹ năm nay, Việt Nam có hai công trình được vinh danh. Đó là công trình Nhà bằng tre sống chung với thiên tai của H&P Architects và Kontum Indochine Cafe của KTS Võ Trọng Nghĩa. Giải thưởng thường niên được khởi xướng từ năm 2005, trao bởi Viện Kiến trúc và thiết kế Chicago (Mỹ) và Trung tâm nghiên cứu Thiết kế kiến trúc nghệ thuật Châu Âu.

Ban Mai
Ảnh: Hiroyuki Oki