Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 12/3/2015, 10:21 (GMT+7)

Tâm sự thầm kín của người đồng tính

"Tôi lấy vợ nhưng không thể tiếp tục hôn nhân, đi tu cũng không lâu vì bị coi là đồng tính luyến ái...", một người chuyển giới chia sẻ tại triển lãm "Những ngăn tủ", diễn ra ở Hà Nội từ ngày 10 đến 31/3.

Triển lãm "Những ngăn tủ" về cộng đồng LGBT (người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) đang diễn ra tại Đại học Mỹ Thuật (Yết Kiêu, Hoàn Kiếm), kể lại những câu chuyện từ chính cuộc sống của những người trong cuộc. 

"Những ngăn tủ" giới thiệu hơn 80 câu chuyện của cộng đồng LGBT. Đó là tâm sự về cuộc sống, tình yêu, sự giằng xé tâm hồn, đớn đau thể xác... Họ ở những vùng miền khác nhau, độ tuổi, nghề nghiệp, vị trí khác nhau nhưng cùng chung một khát khao: Được sống là chính mình.

Một cô gái sinh năm 1990 ở Quảng Ninh chia sẻ những tấm thiệp và chuyện tình cảm tự nhiên của mình: "Ngày học cấp 3, em và bạn ấy rất yêu nhau. Không ai biết tình yêu là gì và cũng không nghĩ mình là đồng tính. Chúng em thường viết thư, tự làm thiệp và vòng tay tặng cho nhau để bày tỏ tình cảm. Trong số này có hai cái bạn ấy làm. Một cái tặng em với dòng chữ "I love you". Một cái tặng mẹ em với lời cảm ơn mẹ đã sinh ra em...".

Ngăn tủ chứa câu chuyện "Thiệp mời dự lễ tuyên hôn" của một người giấu tên, 50 tuổi, ở Vĩnh Long. "Chúng tôi đã sống với nhau gần 20 năm nhưng không đủ dũng cảm để tổ chức một lễ cưới như hai người bạn này. Các bạn ấy gửi giấy mời chúng tôi đến dự lễ Tuyên hôn của họ. Tuyên hôn chứ không phải kết hôn. Tuyên là tuyên bố, nó rất mạnh mẽ - tôi thích cái từ ấy. Chính vì vậy mà tôi giữ tấm thiệp này 10 năm rồi".

Chiếc tủ với bộ quần áo công sở nam là câu chuyện mà người mang nickname Gin, 29 tuổi, ở Sài Gòn muốn kể: "Không như những bạn bè cùng trang lứa được sống với cha mẹ, tôi ở với bà ngoại từ nhỏ. Với bà tôi luôn là đứa trẻ thiệt thòi, đặc biệt khi bà biết tôi là người chuyển giới. Bà bảo 'Mình khác người nhưng tuyệt đối không để họ coi thường'. Dù không dư giả bà vẫn lo cho tôi ăn học không thua thiệt ai.

Năm 2010, lần đầu xin được việc, bà dẫn tôi đi mua bộ quần áo này. Bà nói mặc cho tươm tất. Đúng vậy, đến công ty với bộ quần áo này tôi thấy tự tin hơn hẳn. Đến giờ 80% những người gặp tôi đều nghĩ tôi là đàn ông. Với tôi đó là một niềm tự hào".

Nhiều người đồng tính, chuyển giới, dù đã cố lấy vợ, sinh con để che giấu thân phận thật sự nhưng cuối cùng chính họ vẫn không thắng được bản ngã được sống là chính mình, như câu chuyện của Lộ Lộ, 36 tuổi: "Tôi lấy vợ nhưng không thể tiếp tục hôn nhân, đi tu cũng không lâu vì bị coi là đồng tính luyến ái, đi nghĩa vụ thì ra trước thời hạn...".

Một người đồng tính nữ 34 tuổi đã kết hôn nhưng không thể tiếp tục cuộc hôn nhân. "Khi tôi buộc phải công khai vào năm 2009, gia đình không chấp nhận và tin rằng bạn bè lôi kéo. Mẹ tôi khóc lóc van nài rồi dọa tự tử. Trước áp lực cuộc sống và tương lai của con trai 3 tuổi, chịu đựng chồng bạo hành tình dục và thể xác, tôi đã muốn đầu hàng để được bên con, ký vào bản cam kết chồng viết với hơn 20 điều kiện. Cuối cùng tôi trắng tay ra đi, không tài sản, không quyền thăm nuôi con...", người này chia sẻ.

Khát khao được thống nhất vẻ ngoài với tâm hồn bên trong, không ít người chuyển giới phải chịu đau đớn thể xác. Như câu chuyện của Cat Thy, Sài Gòn: "Nếu như tiêm hoóc-môn thấy khó chịu, bứt rứt không yên thì với silicon không thể nào tả hết được sự đau đớn. Với những chỗ cần tiêm nhiều như ngực và mông, sau khi rút kim tiêm to như tiêm trâu, bọn em còn phải dùng keo 502 để bịt lại nếu không silicon sẽ chảy ngược ra. Chỗ thâm trên ngực em là do keo làm cháy ra...".

"Em ghét có kinh, vừa đau vừa khó chịu. Em nghĩ đến chuyện cắt ống dẫn trứng hoặc làm gì đó để ngăn việc này nhưng bạn bè em nói nếu tác động vào buồng trứng em dễ bị khùng lắm. May quá cuối cùng có người bạn nói cho em dùng loại thuốc này. Uống nó, em không còn lo có kinh nữa. Em uống hai viên mỗi ngày. Nếu quên em sẽ uống bù 4 viên vào hôm sau", người chuyển giới nữ sang nam, 29 tuổi, Sài Gòn với câu chuyện "Thuốc điều kinh".

Triển lãm "Những ngăn tủ" được thực hiện theo phong cách Bảo tàng Unstraight (Thụy Điển), có nghĩa là "không thẳng". Ý đồ của ban tổ chức là muốn công chúng  đừng nhìn thẳng về cộng đồng LGBT, đừng chỉ nhìn vẻ bề ngoài của họ mà hãy nhìn nhận họ một cách đa chiều.

Đúng như cái tên của mình, người xem đến với triển lãm sẽ phải tự khám phá những ngăn tủ đầy bí ẩn, bằng cách kéo ngăn tủ ra hoặc xem/lắng nghe câu chuyện mình muốn dựa vào những thiết bị điện tử có sẵn.

Đây còn giống như một triển lãm mở bởi trong hơn 20 ngày diễn ra, những ai muốn chia sẻ câu chuyện của mình vẫn luôn có cơ hội mang câu chuyện đến và trưng bày tại đây. 

Tại khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Csaga - một trong những đơn vị đồng tổ chức phát biểu: "Có quá nhiều bất ổn cuộc sống như những ngăn tủ được giấu kín. Nó không dễ dàng mở ra vì có quá nhiều rủi ro từ số đông sẵn sàng ném đá với những ai, những gì khác nguyên tắc mà họ đinh ninh là không thể khác kia. Những nỗi đau khổ sẽ bị cất trong ngăn tủ. Những bất mãn âm ỉ chảy trong những ngăn tủ. Những khát khao âm thầm trong ngăn tủ. Nó sẽ tiềm ẩn bất ổn nếu nó mãi mãi bị dán keo và đóng kín.

Một xã hội hạnh phúc là một xã hội trong đó có sự thấu hiểu lẫn nhau. Chỉ có sự thấu hiểu mới có sự khoan dung, mới tạo ra một xã hội đồng thuận vì sự phát triển chung. Công thức của hạnh phúc chắc chắn không thể thiếu yếu tố cởi mở và sẻ chia. Công thức của hạnh phúc chắc chắn không bao gồm kỳ thị và ấm ức. May mắn thay hôm nay, nhiều ngăn tủ đã được tạo cơ hội để kéo ra...".

Phan Dương